Gman\’s Blog

You\’re Connecting to me

Một suy nghĩ vui, nhưng có lý

Trong cuộc sống nếu:
A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z tương đương với giá trị:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 thì

  • Làm việc tích cực chỉ là: H+A+R+D+W+O+R+K = 8+1+18+4+23+15+18+11 = 98%
  • Kiến thức vẫn chỉ là: K+N+O+W+L+E+D+G+E = 11+14+15+23+12+5+4+7+5 = 96%
  • Hay là may mắn? L+U+C+K = 12+21+3+11 = 47%.
  • Vẫn không phải! Để vươn đến đỉnh cao và để đạt đựơc sự tuyệt đối (100%) trong cuộc sống, điều thật sư giúp chúng ta vươn cao hơn, xa hơn chính là thái độ. A+T+T+I+T+U+D+E = 1+20+20+9+20+21+4+5=100%

Tháng Hai 21, 2007 Posted by | Funny, Story, Useful Info | Bình luận về bài viết này

Cà Chua vs Dưa Hấu !!!

Hìhì, cái này chíp được từ blog của Hà. Share cho bà con đọc luôn nhá. Dù mình biết số lượng bà con đọc blog này chỉ xấp xỉ 10 (lân cận 10 với exilon rất nhỏ).

“Tomato viết ngược lại vẫn là Tomato. Có đảo ngược thế nào thì cà chua cũng vẫn là cà chua”. Cà chua xanh thì bên trong cũng xanh, ngoài đỏ thì bên trong cũng đỏ. Không giống như quả dưa hấu, ngoài xanh mà trong lại đỏ…

Con người ta không phải lúc nào cũng sống được như quả cà chua, sống thật đúng với cái “Tôi” bên trong của mình. Có khi muốn sống như thế nhưng lại không thể được. Và cái câu “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” lại được áp dụng triệt để như một lời biện minh hữu ích. Người ta bảo đấy là sự kết hợp Cà Chua với Dưa Hấu để cho ra thế hệ F1 hoàn hảo, biết biến hoá linh hoạt trong từng hoàn cảnh…

Nhưng Nếu như trong cuộc đời, cái gì cũng là chính nó, người tốt kẻ xấu đều có thể phân định ngay từ lần gặp đầu tiên, cuộc sống còn thú vị nữa hay không? Cũng như trong cuộc sống, những “người xấu” thật ra cũng không đáng ghét lắm. Sự có mặt của họ tạo nên sự phong phú cho cuộc đời và ở một chừng mực nào đó, họ tạo nên thế đối lập khiến cho những người tốt được nhận diện và ngợi khen.

Có một người bạn “Cà Chua” – cũng tốt – nhưng đối diện với một cây Dưa Hấu vẫn thú vị hơn nhiều. Không phải giả dối, mà là biết giấu mình đi một chút, sẽ khiến người đối diện cảm thấy được khám phá và phát hiện ra những thú vị ẩn chứa bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng ấy.

Có người nói rằng sống trong đời là tìm cách chiếm lĩnh một lập trường sống, một lập trường nhân cách giữa cuộc đời. Ngoại trừ một số ít người có cái can đảm không quan tâm đến xung quanh, thì đa số những người còn lại đều có đôi lúc hoang mang về cách sống của mình”.

Tôi không phải là một người “can đảm không quan tâm đến xung quanh”. Tôi đôi khi cũng vẫn hoài nghi về lối sống của mình. Nhưng tôi thích phân biệt rõ ràng “tốt” – “xấu”, kể cả ngay từ lần gặp đầu tiên. Tôi vẫn thích trắng đen rõ ràng hơn là mờ mờ ảo ảo. Và hơn hết, tôi vẫn thích có một người bạn “Cà Chua” hơn là một người bạn “Dưa Hấu”. Không phải ai cũng biết giới hạn của việc “giấu mình đi một chút” cho người khác khám phá. Người ta hay tham lam, hay đi quá đà mà chẳng nhận ra được đâu là điểm dừng.

Thích thì bảo là thích. Không thích thì bảo là không thích.

Yêu thì bảo là yêu mà không yêu thì nói không yêu. Đừng có miệng nói yêu mà trong bụng thì ghét.

Xấu thì hãy sống đúng như xấu, đừng cố tỏ ra mình tốt đẹp. Mà tốt đẹp rồi thì hãy giữ và làm cho mình tốt đẹp hơn.

Nghèo thì không thể sống cuộc sống của giàu, mà giàu cũng chẳng thể cố vờ như mình nghèo khó.

Sống đúng với bản thân mình, đấy mới là ý nghĩa sâu xa của entry này !

Tôi vẫn cứ là tôi, đơn giản vậy thôi…!!!

Còn bạn, bạn sẽ sống như thế nào? Như Cà Chua hay Dưa Hấu…?

TO BE GMAN

Tháng Hai 15, 2007 Posted by | Highlighted Post, Lifestyle, Story, Useful Info | 3 bình luận

Hai kẻ trên xe buýt – Mực Tím

Bài này tìm được trên trang mực tím online, thấy cũng hay, post lên đây. Đây cũng là bài thứ 200 mình publish trên Gman’s daily blog này.

Tim ta đập hơi nhanh một chút. Không, chính xác là nó đang nhảy nhót điên cuồng và giục giã như trống trận. Ở trạm dừng xe buýt trước mặt, bóng bé hiện ra quen thuộc đến mức không thể quen thuộc hơn.

Ngày nào cũng chỉ một tư thế duy nhất: Đứng chéo chân dựa vào cột trạm, mắt không rời quyển sách to uỵch trên tay. Xe từ từ giảm tốc độ rồi ghé vào. Bé gấp sách, phóc lên xe, không thèm quan sát xung quanh mà đi thẳng đến vị trí trước mặt ta rồi ngồi xuống (như thể đó là chỗ dành riêng cho bé không bằng!).

Á à, hôm nay bé cột tóc bằng một sợi dây gắn hình con ếch cốm Keorophi trông hay quá! Bé bỏ balô xuống khỏi vai, đặt trên đùi, lôi từ trong đó ra một ổ bánh mì, bẻ làm đôi, đưa cho con bé tiểu học sún răng ngồi cạnh một nửa rồi bắt đầu nhai ngon lành. Vừa ăn, bé và nó vừa nói chuyện rổn rẻng, khua ầm cái không khí yên ắng trong xe buýt lên. Toàn chuyện giời ơi đất hỡi của lũ con nít, thế mà bé cười nắc nẻ, hồn nhiên như tia nắng sớm mai. Khúc bánh nhỏ xíu nhanh chóng được giải quyết xong, bé phủi những vụn bánh dính trên váy và balô xuống rồi lấy khăn giấy ra lau miệng.

Không hiểu tại sao một vụn bánh bay lên được và… dính toòng teng trên chóp mũi bé, nom ngộ nghĩnh và xinh không thể tả! Ta cắn chặt răng và gồng cả người lên, cố gắng để khỏi phá ra cười. Ha ha, chứ sao nữa, một kẻ đang đeo phone nghe iPod tự dưng ngồi cười sằng sặc một mình, chẳng phải là có vấn đề lắm sao? Mọi người – nhất là bé – sẽ nhìn ta bằng ánh mắt thế nào đây? Vì đâu ai biết rằng chiếc iPod của ta chẳng hề được nhấn nút play. Nghĩ tới danh dự của mình, ta cố nín, cố nín – một công việc khó khăn và tương đối vất vả! May phước, cuối cùng con bé tiểu học sún răng phát hiện ra vụn bánh yêu quái đó, nó ré lên cười rồi phủi xuống giùm bé. Hai chị em tiếp tục thì thụt, volumme giảm xuống đến mức thấp nhất.

Chợt bé ngẩng phắt lên nhìn ta. Ôi, tim ta đập loạn xà ngầu vì bất ngờ. Bé ngoẹo cổ, chăm chú nhìn rồi… mỉm cười. Trời ơi, làm sao bây giờ? Khả năng này nằm ngoài dự kiến của ta. Cái nụ cười mà ta đã tập hàng trăm hàng ngàn lần trước gương đâu rồi nhỉ? Bé ơi, chờ ta chút nhé, bé đã cho ta cơ hội thì làm ơn đợi ta lục lại kiểu cười đã tốn rất nhiều công sức luyện tập để dành riêng cho bé nhé! Nhưng có vẻ bé chẳng hiểu lời ta van xin, bé nói:

– Em ơi, “Thần đồng đất Việt” tập mới hả? Cho chị mượn “ngâm cứu” chút xíu được không?

Ta rớt cái rầm từ đỉnh Everest cắm đầu xuống đất. Chới với! Thì ra bé cười với thằng nhóc tiểu học bốn mắt ngồi cạnh ta. Nó luyến tiếc rời cuốn truyện đưa cho bé rồi cẩn thận dặn dò:

– Em mới mua đấy, chị cầm nhè nhẹ thôi nhé!

– Xì, ki bo thế?

Bé bĩu môi nhưng vẫn đón lấy cuốn truyện rồi cùng với con bé sún răng xúm vào đọc, cười rúc rích. Ta len lén nhìn bé, chợt một cảm giác kì lạ xâm chiếm toàn bộ cơ thể. Ước gì chuyến xe này chạy mãi, chạy mãi để ta luôn được thấy bé thế này. Chắc bé chẳng thể biết bé là nguyên nhân chính khiến “cuộc đời xe buýt” của ta thay đổi hoàn toàn. Chiếc buýt này thuộc loại nhỏ, ghế ngồi chỉ là những băng dài được đặt quanh viền xe để chừa phía giữa một lối đi rộng thênh thang với những chiếc móc tay cầm gắn lủng lẳng phía trên phòng khi đông khách. Nhưng tuyến xe này ngày nào cũng chỉ có chừng ấy người: Hai đứa nhóc tiểu học, một phụ nữ bán hàng rong với đủ thứ quang gánh, ba cụ bà đi tập dưỡng sinh về, hai anh thanh niên có vẻ là công nhân lúc nào cũng gà gật, hai bác lớn tuổi luôn chúi mũi vào báo và… ta. Thỉnh thoảng cũng có vài hành khách lạ nhưng không ai quan tâm lắm vì nói cho cùng, đây cũng chỉ là một chuyến xe. Đối với ta, quãng đường ngồi xe từ nhà đến trường luôn buồn tẻ và chán ngắt. May mà số tiền dành dụm sau một thời gian làm part- time cho cửa hàng bán dụng cụ thể thao cũng đủ để tậu một con iPod khá khẩm. Thế là Rock, Hip hop, RnB, thậm chí là cả Country nữa đã giải quyết giúp ta khoảng thời gian cơm nguội đó.

Rồi bé xuất hiện! Không rạng ngời mà cũng chẳng chói lóa! Nhìn chung, bé bình thường đến mức không thể dùng từ “xinh đẹp” cho bất cứ chi tiết nào trên người, ngoại trừ một chiếc đồng điếu ở khóe miệng bên trái sâu phát khiếp. Ấy vậy mà ta lại bị ấn tượng chỉ bởi vì… bé không chịu nhìn ta. E hèm… dù gì ta cũng tự biết mình là loại con trai mà mấy đứa con gái cỡ bé nếu không liếc trộm ít nhất một lần thì chắc chắn là tim bằng đá. Nhưng tim bé đâu có bằng đá, đấy thấy chưa, bé có thể nói cười với bất cứ người nào, trừ ta! Không lẽ gương mặt ta có vấn đề gì à?

Ta chưa bao giờ nghĩ đến một đứa con gái trong đầu quá 5 phút. Với bé thì, ờ, hình như có lâu hơn một chút. Mà sao bé thích ăn bánh mì thế nhỉ? Kì cục, ngày nào cũng ăn, làm như không còn món nào khác dành cho bé vậy. Nhưng phải thú nhận là nhìn bé nhai bánh mì thì ta không thể không… nuốt nước miếng. Thế đấy! Sao mà ngon lành thế không biết, y chang miệng của mấy diễn viên Hàn Quốc trên film…

Kể từ ngày chuyến xe có thêm bé, chiếc iPod chỉ còn mỗi công dụng là giúp ta… giữ nguyên vẻ bề ngoài của mình. Chứ sao, nghe bé nói chuyện dĩ nhiên hay và sống động hơn gấp tỉ lần những bài hát của các ca sĩ ở tận đẩu đâu rồi. Nhưng không thể để mọi người nhận ra ta thay đổi vì bé được, thế là đành vẫn cắm phone vào tai nhưng không hề bật máy. Ngày nào ta cũng quan sát bé bằng đôi mắt… giả vờ lơ đễnh và dửng dưng, chỉ chờ một nụ cười đi lạc của bé là sẽ giựt phăng cái phone quái quỉ xuống và đáp lại ngay bằng nụ-cười-dành-riêng-cho-bé mà ta đã khổ luyện. Nhưng nụ cười đó như một thứ hàng quí hiếm của tên tài phiệt độc đoán. Bé nhất định không dành nó cho ta!

Trường bé gần hơn trường ta nên bé lên sau nhưng lại xuống trước ta. Xịch… ta giật nảy người khi phát hiện chiếc xe đang từ từ tấp vào cổng trường bé. Một luồng điện xẹt qua người khiến tim ta thắt lại. Ta chỉ muốn đứng phắt dậy, nắm tay bé và nói một điều gì đó, như hỏi tên bé chẳng hạn. Nhưng cuối cùng ta vẫn ngồi trơ ra như thế. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, thằng ngốc trên xe ngoái nhìn dáng bé đến khi không thể nhìn được nữa. Thằng ngốc bắt đầu dằn vặt và tự nguyền rủa mình. Tại sao không phải là chính ta mỉm cười trước nhỉ? Biết đâu… Ôi, bản chất của một thằng con trai! Lẽ nào ta đã để một cở hội, à không, rất nhiều cơ hội đi qua?

Bé ơi, chào nhé!

* * *

Vừa bước lên xe, mình đã nhận ra anh ấy không ở đó. Sao thế nhỉ? Mình thấy căng thẳng và hơi lo lắng nhưng vẫn phải nhe răng cười với nhóc sún. Nó kéo mình xuống, thì thào:

– Chị ơi, anh Đẹp Trai Lạnh Lùng không đi xe nữa đâu!

Mình bần thần như một kẻ mộng du:

– Sao thế?

– Hình như anh ấy đi du học, em nghe thằng bốn mắt bảo thế…

Cái gì đó xộc vào mũi mình, cay cay. Mình đưa nguyên ổ bánh mì cho nhóc sún, biết là hôm nay sẽ không nuốt nổi nó, có lẽ cả ngày mai cũng vậy…

Vào cái ngày mà mẹ đột xuất không đưa mình đến trường được đó, mình phải tự đón xe buýt đi và anh ấy, ngay từ cái nhìn đầu tiên, đã như một thỏi nam châm hút chặt lấy sự quan tâm của mình. Trông anh ấy thật hay! Mặc dù mặc đồng phục đi học nhưng từ anh ấy vẫn toát ra một cái gì rất sport và khỏe khoắn, nhất định đây là một tín đồ của bóng rổ, bóng chuyền hay đại loại một môn thể thao nào đó. Nhưng mặt anh ấy lạnh kinh khủng (có lẽ do đó trông lại càng thu hút hơn), tai thì lúc nào cũng nghe iPod, chẳng để ý gì đến xung quanh cả. Mình không dám ngước lên nhìn vì sợ anh ấy bắt gặp sự

Tháng Hai 4, 2007 Posted by | Event, Highlighted Post, Romance, Story | Bình luận về bài viết này

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Đây là một đoạn độc thoại mà mình sưu tầm được.
Bạn hiền,
Đêm hôm trước tôi hứa kể bạn nghe câu chuyện con khỉ đột sợ thoái hoá thành con người. Bạn không tin chuyện ấy có thật. Nói cho đúng, tôi không cố tình thuyết phục bạn tin chuyện ấy có thật. Tôi chỉ muốn bạn thấy chuyện ấy có lý. Nhưng bạn cũng không thấy chuyện ấy có lý chỗ nào cả. Bạn nói từ thời ông Darwin đến nay ai cũng tin rằng khỉ tiến hoá lên người. Chứ đâu có ai nói khỉ thoái hoá xuống người, hay người tiến hoá lên khỉ?
Thật tình tôi chưa biết phải làm sao để thuyết phục bạn. Có lẽ tốt nhất bạn hãy nghe tôi kể câu chuyện ấy đã, rồi chúng mình mới thong thả vừa nằm vừa đàm luận chơi vui nhé. Chuyện ấy có nhan đề “Những con khỉ bất bình”[1] do văn hào Tây Ban Nha Rafael Pérez Estrada (1934-2000) kể. Chuyện thế này:

Ta có thể nhìn thấy hình ảnh Thiên Đường Đã Mất trong trí tưởng tượng khốn khổ của một bầy khỉ ở vùng rừng già Amazon. Chúng khóc lóc suốt ngày suốt đêm trước mối nhục rằng một ngày nào đó — trong đà thoái hoá của chủng tộc — chúng phải trở thành con người. Những cử chỉ vụng về và đầy ác ý trong cách chúng đối xử với nhau khi tranh cãi cho thấy thấp thoáng tính khí của con người. Nhiều con khỉ trong bầy từ chối sinh sản. Chúng trở nên phờ phạc rã rời, mặc cho chuỗi ngày trôi qua, hết hừng đông rồi đến chiều hôm, không còn thiết tha gì nữa. Trong lúc đó, những con khỉ khác chăm chú theo dõi bầy con của mình, và giết chết ngay những con nào thoáng biểu lộ một chút trí khôn.

Bạn thấy sao? Chuyện hay đấy chứ? Nhưng bạn vẫn thấy nó không có lý! Bạn hiền ơi, tôi lại thấy câu chuyện rất có lý. Này nhé, theo bạn thì tiến hoá là gì? Phải chăng tiến hoá là càng ngày càng trở nên hiểm độc, hung tàn, gian ác, hiếu chiến? Nghĩa là càng ngày càng dã man hơn? Phải chăng tiến hoá là càng ngày càng đến gần vực thẳm của sự diệt chủng và tận thế? Bạn hãy thử so sánh đời sống của loài khỉ trong rừng Amazon với đời sống của loài người trên khắp trái đất này. Theo bạn thì đời sống nào chết chóc, đau khổ nhiều hơn? Đời sống nào nhiều cạm bẫy hiểm độc hơn? Đời sống nào có sự tàn sát lẫn nhau nhiều hơn? Đời sống nào có nhiều cá nhân tự sát hơn? Đời sống nào nhiều tuyệt vọng hơn?

Từ lúc tôi mở mắt chào đời cho đến nay, ngót nửa thế kỷ, dường như chưa có một ngày nào nhân loại ngừng giết hại nhau. Từ một con hẻm tối tăm trong khu phố ổ chuột, cho đến một văn phòng nguy nga của một lãnh tụ chính trị, nơi nào cũng có thể chứa chấp hận thù và những âm mưu tiêu diệt đồng loại. Vì tình. Vì tiền bạc. Vì thực phẩm. Vì danh vọng. Vì lý tưởng. Vì giáo điều. Vì niềm tin. Vì tất cả những gì được gọi là tầm thường nhất và được gọi là cao cả nhất.

Vâng, loài người luôn tự cho mình là có trí khôn lớn nhất trong muôn loài. Nhưng với cái trí khôn đó, loài người càng ngày càng tiến gần đến vực thẳm. Giở lại sách vở của loài người mà xem. Rất hiển nhiên, càng ngày loài người càng ưu tư nhiều hơn về sự tận thế, và để tránh điều đó, càng ngày loài người càng ra sức chế tạo thêm những khí cụ cực kỳ tinh vi và cực kỳ bạo liệt có khả năng gây nên sự tận thế. Phải chăng cái trí khôn của loài người lại là vũ khí cho chính loài người tàn sát nhau và tự sát?

Văn hào Rafael Pérez Estrada rất có lý khi cho rằng loài khỉ xem trí khôn là dấu hiệu của sự thoái hoá chủng tộc. Trí khôn làm sinh ra ác ý. Ác ý là động cơ dẫn đến sự tàn sát và tự sát.

Sao bạn ngồi im lìm thế? Băn khoăn về một viễn ảnh đen tối của loài người? Sợ rồi đây Đệ Tam Thế Chiến sẽ bùng nổ? Sợ những kho vũ khí nguyên tử sẽ được loài người cuồng nộ mang ra sử dụng để giết nhau và tự giết mình?

Đấy, tôi đã bảo rồi mà! Trước sau gì bạn cũng phải chịu rằng văn hào Rafael Pérez Estrada là có lý. Tất nhiên là ông ấy bịa chuyện, chứ làm sao ông ấy biết những con khỉ trong rừng Amazon đang suy nghĩ về điều gì. Nhưng bạn phải công nhận rằng ông ấy bịa chuyện rất hay. Chúng mình vẫn tưởng rằng con khỉ phải nhọc nhằn khao khát tiến bộ thêm nhiều triệu năm nữa thì hoạ may mới rụng được cái đuôi, mới đi được thẳng lưng để tiến lên làm con người. Thế nhưng, văn hào Rafael Pérez Estrada lại cho rằng con khỉ không muốn thế. Khỉ không muốn thành người. Khỉ muốn được muôn đời là khỉ, để khỏi phải sa xuống cái vực thẳm của trí khôn và ác ý như con người.

Có lý quá phải không? Và nếu thế, từ nay chúng mình chớ nên xúc phạm loài khỉ bằng cách nhiếc móc người khác bằng câu: “Đừng giở trò khỉ!” Ngược lại, nếu muốn nhiếc móc, thì hãy dùng câu: “Đừng giở trò người!”

Bạn hiền nói sao? Bạn hiền chán những trò chiến tranh, mưu mô đầy trí xảo và dã tâm của con người lắm rồi phải không? Bạn hiền yêu hoà bình, yêu cuộc sống êm đềm đơn giản, muốn rời bỏ xã hội chen chúc này để về giữa thiên nhiên…, phải không? Bạn thật xứng đáng được khen ngợi, và có lẽ không lời khen nào hay bằng câu: “Thành thật cảm phục trò khỉ của bạn!”

Vâng, đúng rồi, tôi nói đùa đấy. Nhưng chẳng phải lời khen ấy sẽ khiến bạn mất ngủ đêm nay hay sao? Bạn hiền ơi, đã lỡ làm người rồi thì kể như thiên đường đã mất. Để tiến hoá thành loài khỉ trong rừng Amazon chẳng phải dễ dàng đâu! Nhưng thôi, đừng suy nghĩ lao lung nữa. Hãy ngủ một giấc ngon đêm nay. Lần tới tôi sẽ kể hầu bạn một chuyện khác, không phải về những con khỉ, mà về những con người thích bắt chước. Một kiểu bắt chước rất “người”, nghĩa là rất bá láp, chứ không phải là bắt chước hồn nhiên, rất “khỉ”.

Tháng Mười Hai 12, 2006 Posted by | Lifestyle, Story, Useful Info | Bình luận về bài viết này

Con cừu đen

Ở một xứ nọ, mọi người đều là kẻ trộm.
Ban đêm, mọi người đều rời nhà với chùm chìa khoá cùng chiếc đèn lồng có vải che, và đến nhà một người láng giềng để ăn trộm. Họ trở về lúc rạng đông, với nhiều của cải, và thấy nhà của chính họ đã bị mất trộm.
Vì thế, mọi người vui vẻ sống với nhau, và chẳng ai thiệt thòi gì, bởi kẻ này ăn trộm của kẻ khác, kẻ khác lại ăn trộm của kẻ khác nữa, và cứ tiếp tục như thế đến khi kẻ cuối cùng ăn trộm của kẻ đầu tiên. Việc mua bán ở xứ ấy tất nhiên là việc người mua và kẻ bán lường gạt nhau. Chính phủ là một tổ chức tội phạm chuyên ăn trộm của nhân dân, và nhân dân chỉ chăm lo ăn trộm của chính phủ. Do đó, cuộc sống rất thoải mái, chẳng có ai giàu và chẳng có ai nghèo.
Một ngày nọ, chẳng biết vì sao một người đàn ông trong sạch lại đến sống ở xứ ấy. Ban đêm, thay vì ra đi với bao tải và chiếc đèn lồng, anh ta ở nhà hút thuốc lá và đọc tiểu thuyết.
Kẻ trộm đến, thấy đèn sáng, nên không vào nhà.
Tình trạng này diễn ra trong một thời gian ngắn, và mọi người buộc lòng phải giải thích cho anh ta hiểu rằng ngay cả nếu anh muốn sống mà không làm việc thì cũng không có lý do gì anh lại ngăn cản những người khác làm việc. Mỗi đêm anh ở nhà nghĩa là ngày hôm sau một gia đình nào đó chẳng có cái gì để ăn.
Người đàn ông trong sạch khó lòng phản đối lý lẽ đó. Ban đêm, anh ta ra đi và sáng hôm sau anh ta về nhà giống như họ, nhưng anh ta không ăn trộm. Anh ta trong sạch, và bạn không thể làm gì khác để thay đổi bản tính ấy. Anh ta đi đến tận cây cầu và đứng nhìn nước trôi bên dưới. Khi về nhà, anh ta thấy mình đã bị mất trộm.
Chưa đến một tuần lễ, người đàn ông trong sạch không còn một xu dính túi, không còn gì để ăn và căn nhà trống rỗng. Nhưng đó chẳng phải là vấn đề, vì đó là lỗi của chính anh ta; không, vấn đề là thái độ của anh ta đã làm mọi sự đảo lộn. Bởi anh ta để những kẻ khác ăn trộm tất cả của cải của anh ta, mà anh ta lại không ăn trộm của ai cả, cho nên luôn luôn có kẻ về nhà vào lúc rạng đông và thấy nhà mình còn nguyên vẹn: đáng lẽ anh ta phải ăn trộm nhà ấy. Rốt cuộc, sau một thời gian ngắn, những kẻ không bị mất trộm thấy mình giàu có hơn người khác và không còn muốn đi ăn trộm. Tệ hại hơn nữa, những kẻ đến nhà của người đàn ông trong sạch để ăn trộm thấy nhà luôn luôn trống rỗng, do đó họ trở thành nghèo đói.

Trong lúc ấy, những kẻ đã trở nên giàu có lại nhiễm cái thói quen của người đàn ông trong sạch là đi đến cây cầu vào mỗi đêm để nhìn nước trôi bên dưới. Điều này làm sự rối loạn càng tăng thêm, bởi nó khiến cho nhiều kẻ khác trở nên giàu có và nhiều kẻ khác trở nên nghèo đói.
Thế rồi, những kẻ giàu có nhận ra rằng nếu đêm nào họ cũng đến cầu ngắm nước chảy thì chẳng mấy chốc họ lại trở nên nghèo. Và họ nghĩ: “Hãy trả lương để những đứa nghèo đi ăn trộm cho mình”. Rồi họ viết hợp đồng, quy định mức lương, tính huê hồng theo phần trăm: tất nhiên họ vẫn còn là những kẻ trộm, và họ vẫn muốn lừa đảo kẻ khác. Và điều phải xảy ra là kẻ giàu càng giàu thêm và kẻ nghèo càng nghèo thêm.
Một số kẻ giàu trở nên quá sức giàu đến mức họ thấy không cần ăn trộm hay thuê những kẻ khác ăn trộm cho mình để mình được tiếp tục giàu nữa. Nhưng nếu họ thôi ăn trộm, họ sẽ trở nên nghèo, bởi những kẻ nghèo ăn trộm của họ. Vì thế, họ trả lương để những kẻ nghèo nhất trong đám nghèo canh giữ của cải của họ khỏi bị bọn nghèo lấy trộm, và qua đó họ hình thành lực lượng công an và xây dựng những nhà tù.
Nói tóm lại, chỉ trong vòng vài năm sau khi người đàn ông trong sạch xuất hiện, người ta không còn nói đến chuyện ăn trộm và mất trộm, mà nói đến chuyện kẻ giàu và người nghèo; nhưng họ vẫn còn là những kẻ trộm.
Con người trong sạch duy nhất chính là con người lúc đầu ấy, nhưng anh ta đã chết từ sớm, vì đói.

Tháng Mười Hai 6, 2006 Posted by | Documentary, Highlighted Post, internet, Story, Useful Info, X-cellent Post | Bình luận về bài viết này

Sự cởi mở

Door

Có một gia đình nghèo khó và đông con. Hai vợ chồng và sáu đứa con cùng sống trong một cái nhà chỉ vỏn vẹn có một phòng ngủ nhỏ bé. Những đứa trẻ ngày mỗi lớn, và căn phòng càng chật hẹp hơn. Bởi thế, người cha mới tìm đến ông pháp sư nhiều quyền năng nhất xứ để kể lể sự tình và cầu xin được cứu giúp.
Ông pháp sư nói: “Với quyền năng của ta, không có gì là bất khả. Có điều là để nhận được một phép lạ không phải dễ dàng như nhận một món quà rẻ tiền. Tuy nhiên, ta không đòi hỏi nhiều ở những kẻ nghèo nàn như các ngươi. Ta chỉ muốn các ngươi biết cái giá phải trả để được nhận phép lạ chính là sự kiên nhẫn của các ngươi.”
Người cha khốn khó trả lời: “Thưa ngài, nhà ở, thức ăn và tiền bạc thì chúng tôi không có, nhưng kiên nhẫn thì chúng tôi có thừa, bởi chúng tôi đã được rèn luyện trong khổ đau.”
Ông pháp sư nói: “Vậy thì tốt lắm. Để làm căn nhà của các ngươi rộng thêm, có ba bước cần phải được kiên trì thực hiện. Trước hết, ngươi ra chợ mua gấp hai chục con gà đem về nuôi ngay trong phòng ngủ. Nhớ rằng phải cho chúng ăn uống đầy đủ, và đừng nhốt chúng trong lồng hay cột chúng lại, mà phải để chúng tùy ý đi đứng ăn ngủ bất cứ chỗ nào chúng muốn. Các ngươi phải ngủ chung với chúng, và tuyệt đối đừng bao giờ dọn phân của chúng. Cứ để nguyên như thế thì phép mới linh ứng. Hãy kiên nhẫn chịu đựng trong ba tháng, rồi trở lại đây, ta sẽ hướng dẫn để thực hiện bước thứ hai.”
Người cha về nhà và làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn, dù số tiền mua hai chục con gà và thực phẩm cho chúng lớn bằng chính sinh mạng của ông. Ba tháng sau, người cha trở lại yết kiến ông pháp sư, và nói: “Thưa ngài quyền năng vô biên, chúng tôi đã thực hiện y như lời ngài dạy và chúng tôi sắp chết. Xin ngài hướng dẫn ngay bước thứ hai cho.”
Ông pháp sư nói: “Tốt lắm, thật xứng đáng. Vậy ngươi hãy ra chợ mua gấp bốn con dê nữa rồi đem về nuôi ngay trong phòng ngủ của các ngươi, cùng với hai chục con gà trước kia. Đừng trói cột chúng. Đừng dọn phân chúng. Nhớ cho chúng ăn uống thật đầy đủ, và các ngươi phải ngủ chung với chúng cùng hai chục con gà. Hãy biết rằng nếu một con vật chết đi, hoặc một người ra ngoài ngủ riêng một lần nào đó, thì cũng đủ làm phép lạ thành vô hiệu. Hãy kiên trì chịu đựng thêm ba tháng nữa, rồi trở lại đây, ta sẽ hướng dẫn cho bước cuối cùng.”
Người cha về nhà, làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn, dù số tiền mua bốn con dê cùng ba tháng thực phẩm cho chúng lớn bằng chính sinh mạng của toàn thể gia đình. Ba tháng nữa trôi qua, người cha dắt người mẹ cùng cả bầy con đến yết kiến ông pháp sư, và nói: Thưa ngài quyền năng vô lượng, chúng tôi đã thực hiện y lời ngài dạy và chúng tôi không thể sống thêm một giờ nào nữa trong căn phòng thối tha, chật chội, nóng bức như địa ngục đó. Lòng kiên nhẫn của chúng tôi đã thực sự kiệt quệ vì đói ăn và mất ngủ suốt sáu tháng qua. Xin ngài đoái thương những bộ xương tàn tạ này và ban ngay phép lạ cho.”
Ông pháp sư vui vẻ nói: “Tốt lắm, thật xứng đáng. Và đây là bước cuối cùng để phép lạ xảy ra. Hãy đem ngay đến đây cho ta hai chục con gà và bốn con dê ghê tởm đó, rồi về nhà dọn dẹp từ trong chí ngoài cho thật sạch sẽ. Sau đó, hãy ăn một bữa đơn sơ những thức dễ tiêu hoá, rồi đi ngủ ngay đừng chần chờ gì cả. Sáng ngày mai, hãy đến đây cho ta biết kết quả.”
Những kẻ khốn khổ vội vã dắt nhau về nhà và làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn. Sáng hôm sau, người cha hớn hở chạy đến báo cho ông pháp sư: “Thưa ngài công đức bất khả sánh, phép lạ đã xảy ra và quả là tuyệt diệu. Vợ con tôi giờ này vẫn còn ngủ say. Chưa bao giờ họ ngủ ngon như vậy. Tôi cũng thế, đêm qua tôi ngủ say một giấc không mộng mị. Căn nhà rộng rãi, mát mẻ, thơm tho, dễ chịu làm sao! Xin đội ơn ngài…”

Tháng Mười Hai 6, 2006 Posted by | Documentary, internet, Story, Useful Info | Bình luận về bài viết này